Các tay súng Houthi ở Yemen ngày 19/11 dùng trực thăng đổ bộ lên tàu hàng Galaxy Leader đang di chuyển trên Biển Đỏ. Nhóm này sau đó khống chế thủy thủ đoàn,ốiđedọacủaphiếnquânHouthivớitàuhàghế bệt yêu cầu họ chuyển hướng tàu về cảng ở Yemen. Houthi trước đó tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào "tất cả tàu thuộc sở hữu hoặc làm ăn với Israel".
Giới chuyên gia nhận định sự việc có khả năng gây leo thang nghiêm trọng trong cuộc xung đột Israel - Hamas, bởi Houthi là một phần trong "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt chống lại Tel Aviv. Trục này gồm các nhóm vũ trang tại Lebanon, Syria, Iraq và Dải Gaza, với mục tiêu chính là chống lại ảnh hưởng của Israel và phương Tây ở khu vực Trung Đông.
Người phát ngôn Houthi Yahya Sare'e xác nhận tàu Galaxy Leader bị bắt vì "thuộc sở hữu của Israel". Tel Aviv phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với con tàu, dù thông tin về quyền sở hữu trong cơ sở dữ liệu vận tải công khai cho thấy nó thuộc về một trong những người đàn ông giàu nhất Israel.
Sự cố này cho thấy mối đe dọa thường trực của Houthi, nhóm phiến quân đang kiểm soát miền tây Yemen, trong đó có khu vực giáp Biển Đỏ, với các tàu hàng di chuyển qua đây, trong bối cảnh chiến sự Israel - Hamas tăng nhiệt. Trong trường hợp xấu nhất, đây có thể là động thái đầu tiên đẩy Mỹ và Israel vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Iran, quốc gia đang hậu thuẫn Houthi.
Hầu hết các khu vực của Biển Đỏ đều có chiều rộng trên 200 km, nhưng cửa ngõ phía nam, eo biển Bab al-Mandeb, là một nút cổ chai rộng chưa đầy 20 km, từ đảo Mayyun của Yemen tới bờ biển Djibouti và Eritrea. Hàng năm có hơn 17.000 tàu hàng đi qua eo biển này, tương đương gần 50 chiếc một ngày.
Lực lượng Houthi đang án ngữ eo biển này và có thể triển khai tàu nhỏ, trực thăng đổ bộ lên bất cứ tàu hàng nào đi qua mà họ cho là có liên quan tới Israel.
Rất nhiều tàu có đặc điểm tương tự Galaxy Leader, treo cờ Bahamas, được điều hành bởi một công ty Nhật Bản, có thuyền trưởng người Bulgaria và thủy thủ đoàn đến từ ít nhất 5 quốc gia khác, không ai trong số họ là người Israel, nhưng chủ sở hữu có liên quan tới Israel.
Trong gần 1.500 tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb mỗi tháng, nhiều tàu có thể liên quan đến Israel theo cách như vậy, khiến nguy cơ chúng bị Houthi bắt ngày càng tăng lên.
Nhưng hoạt động vận tải qua Biển Đỏ vẫn phải tiếp tục. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho Israel và Mỹ, đồng minh thân cận nhất của họ, trong nỗ lực bảo vệ tàu hàng trước mối đe dọa thường trực từ nhóm phiến quân ở Yemen.
Theo giới quan sát, Mỹ và Israel có thể dựa vào ba phương án để ngăn chặn các vụ bắt tàu do Houthi tiến hành: Điều chiến hạm hộ tống tàu hàng, tìm cách phá hủy hoặc hạn chế đáng kể khả năng tấn công của Houthi trên biển hoặc thuyết phục họ từ bỏ các cuộc tấn công.
Đối với lựa chọn đầu tiên, câu hỏi đặt ra là ai có thể thực hiện những cuộc tuần tra liên tục bằng tàu chiến trên Biển Đỏ để bảo vệ những tàu hàng di chuyển qua đây.
Arab Saudi và Ai Cập, những quốc gia giáp Biển Đỏ, đều có lực lượng hải quân hùng mạnh. Nhưng Arab Saudi gần đây ký thỏa thuận đình chiến với Houthi ở Yemen và nhiều khả năng sẽ không muốn can thiệp. Ai Cập đang cố giữ thái độ trung lập trong xung đột Israel - Hamas và cũng không muốn bị kéo vào căng thẳng với Houthi.
Israel đang phải căng mình đối phó với mối đe dọa từ nhiều hướng, nên không thể dành thêm nguồn lực cho nhiệm vụ này. Lực lượng duy nhất còn lại có khả năng đối phó với mối đe dọa Houthi sẽ là hải quân Mỹ.
Kể từ hôm 7/10, khi Hamas đột kích vào lãnh thổ Israel, Mỹ đã triển khai nhiều khí tài tới Trung Đông, tập trung xung quanh hai nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhóm USS Gerald Ford (CSG 12) đang hiện diện ở Địa Trung Hải, còn nhóm tàu sân bay USS Dwight Eisenhower (CSG 2) đang hoạt động ở Vịnh Oman.
Mỗi nhóm tàu sân bay này đều có một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, hai hoặc ba tàu khu trục và một đội tàu phụ trợ như tàu chở dầu, tàu tiếp liệu và tàu sửa chữa di động.
Hai nhóm tàu sân bay đều có nhiệm vụ được xác định rõ ràng. USS Gerald Ford giám sát khu vực rộng lớn gồm Israel, Lebanon, Syria và Iraq, đồng thời ngăn chặn mọi mối đe dọa có thể làm gia tăng xung đột. USS Dwight Eisenhower theo dõi tình hình Iran và sẵn sàng hành động nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng ở Trung Đông.
Ngoài hai nhóm tàu sân bay, hải quân Mỹ còn có những chiến hạm riêng theo dõi các vụ phóng tên lửa của Houthi. Hôm 19/10, tàu USS Carney đã bắn hạ một số tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Houthi phóng nhắm vào Israel.
Do tất cả khí tài chiến lược này đều được giao nhiệm vụ cụ thể, các lựa chọn của Mỹ nhằm ngăn Houthi bắt tàu trên Biển Đỏ rõ ràng bị hạn chế. Những chiến hạm có thể được huy động để hộ tống tàu hàng là các con tàu đang tập trung xung quanh tàu đổ bộ tấn công USS Bataan, hiện ở ngay phía nam kênh đào Suez. Tuy nhiên, việc điều chúng tới phía nam Biển Đỏ sẽ làm suy yếu khả năng đáp trả của Mỹ trước bất kỳ diễn biến leo thang nào xung quanh Gaza.
Điều này đưa đến lựa chọn thứ hai. Washington có thể yêu cầu Tel Aviv dùng tên lửa tầm xa tập kích các cảng của Houthi nhằm xóa sổ năng lực tác chiến bằng đường biển của họ. Khi không còn xuồng và trực thăng để hoạt động, Houthi sẽ khó triển khai các chiến dịch bắt tàu trên Biển Đỏ, theo bình luận viên Zoran Kusovac của Al Jazeera.
Nhưng phương án này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi cuộc tấn công trực tiếp của Israel vào phiến quân Houthi có thể kích động "trục kháng chiến" có hành động quyết liệt hơn nhắm vào Tel Aviv.
Thông qua các nhóm dân quân trong khu vực, đặc biệt là nhóm Hezbollah ở Lebanon, Iran có thể tăng cường các cuộc tập kích nhắm vào Israel, mở ra nhiều mặt trận mới với nước này. Các nhóm thân Iran ở Iraq và Syria cũng sẽ gia tăng cường độ tấn công căn cứ có lính Mỹ trong khu vực.
Kịch bản đó nguy hiểm hơn việc vài tàu hàng bị bắt trên Biển Đỏ rất nhiều, Kusovac nhận định. Mặt khác, Israel chưa sẵn sàng mở một mặt trận mới trong bối cảnh phải dồn sức đối phó với Hamas ở Dải Gaza.
Với lựa chọn cuối cùng, Iran dường như là chìa khóa. Nếu bắt tàu Galaxy Leader là hành động độc lập của Houthi, không phải do Tehran đứng sau, Mỹ hoàn toàn có thể tiến hành nỗ lực ngoại giao thầm lặng để thúc đẩy Iran kiềm chế Houthi, tránh để xảy ra những vụ bắt tàu mới.
Đây có thể biện pháp thực tế nhất, nhưng chỉ có thể thành hiện thực khi tất cả các bên liên quan thực sự kiềm chế, theo Kusovac.
"Nguy cơ đang rất lớn", ông nói. "Một vụ bắt tàu nữa có thể tạo ra hiệu ứng quả cộng hưởng, khiến những nước khác bị kéo vào cuộc xung đột vốn đã rất khốc liệt và đẩy nó đến điểm không thể quay đầu".
Vũ Hoàng(Thao Al Jazeera)